Cơ hội mới cho lao động Việt Nam ở Nhật
Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo điều chỉnh Luật kiểm soát nhập cư và công nhận tị nạn nhằm thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài cho các lĩnh vực đang thiếu nhân công. Cơ hội sẽ ra sao?
Các lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy Nhật Bản – Ảnh: T.L.
|
Dự thảo luật sửa đổi trên sẽ tạo ra 2 loại thị thực (visa) mới cho người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực thiếu lao động.
Loại thứ nhất dành cho lao động có tay nghề và trình độ tiếng Nhật nhất định, được phép lưu trú tại nước này đến 5 năm, song không được đưa gia đình đi cùng. Loại thứ hai dành cho lao động có tay nghề cao hơn, có thể đưa gia đình đi cùng và cuối cùng được cấp quyền cư trú.
Chưa rõ lĩnh vực nhận lao động
Chính quyền Tokyo không nêu rõ các lĩnh vực thiếu lao động, song dự thảo trên dự kiến áp dụng đối với hơn chục lĩnh vực từ nông nghiệp, xây dựng đến khách sạn và điều dưỡng. Theo báo Asahi, đáng lưu ý là các thực tập sinh đã làm việc tại Nhật ít nhất 3 năm liền sẽ có quyền tham gia chương trình xin visa lao động kiểu mới.
Truyền thông Nhật dự đoán nước này sẽ tiếp nhận thêm 500.000 lao động nước ngoài cho đến năm 2025, tăng 40% so với con số 1,28 triệu hiện nay (số liệu tháng 10-2017) vốn chiếm 2% lực lượng lao động toàn Nhật Bản.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Long Sơn – tổng giám đốc Công ty Esuhai – tin rằng đây là cơ hội mới cho lao động Việt Nam. Ông cho biết trong chương trình thường trú cho lao động nước ngoài, Nhật Bản đang áp dụng cho nhóm lao động là kỹ sư.
Nhiều kỹ sư Việt Nam đã được phép đưa gia đình sang sinh sống gần như dài hạn. Tuy nhiên, yêu cầu của Nhật tương đối cao nên số lượng đáp ứng từ Việt Nam không nhiều, trong khi trình độ của các thực tập sinh không đủ đáp ứng cho các điều kiện ngành nghề đang cần.
Trước thực tế này, Nhật Bản đã mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề có khả năng tiếp nhận thêm những lao động nước ngoài đòi hỏi trình độ thấp hơn bậc kỹ sư nhưng cao hơn trình độ thực tập sinh.
Theo ông Sơn, chương trình thường trú mới mà Chính phủ Nhật Bản đang bàn là nhằm tiếp nhận đối tượng này, tuy nhiên có lưu ý, đây không phải nhóm lao động phổ thông mà là nhóm lao động kỹ năng đặc định. Lao động thuộc nhóm này phải có kinh nghiệm, kỹ năng được Chính phủ Nhật Bản công nhận. Đến nay, quy định cụ thể hay tiêu chuẩn thế nào thì được phép vẫn chưa rõ ràng.
Sắp tới khi quốc hội nước này thông qua dự thảo luật đã được chính phủ thông qua ngày 2-11, các cơ quan quản lý của Nhật Bản mới bắt đầu đi vào chi tiết. Trong đó, mỗi lĩnh vực ngành nghề sẽ có yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn ví dụ ngành điều dưỡng sẽ có tiêu chuẩn khác với ngành cơ khí, điện tử, đóng tàu, bảo dưỡng xe hơi…
Các hiệp hội, ban ngành của từng lĩnh vực sẽ thiết kế ra một tiêu chuẩn để phù hợp tuyển chọn lao động.
Chưa dễ thực hiện ngay
Ông Trần Tiến Duy, giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Nhật Huy Khang, nhận định từ những ví dụ đã xảy ra. “Ngay như quy định cho phép Việt Nam đưa người lao động trong lĩnh vực điều dưỡng sang Nhật để phục vụ nhu cầu chăm sóc người già Nhật, cũng phải mất hơn một năm trời để thực hiện được dù được thông qua hơn một năm” – ông Duy dẫn chứng.
Chẳng hạn, đến đầu tháng 11 này, Chính phủ Nhật Bản cùng cơ quan quản lý lao động ngoài nước của Việt Nam mới thống nhất được điều khoản và chọn ra những doanh nghiệp triển khai thí điểm đưa lao động, thực tập sinh điều dưỡng sang Nhật. Các doanh nghiệp VN phải mất thêm ít nhất 4-5 tháng nữa mới có đợt xuất khẩu lao động trong lĩnh vực này sang Nhật.
Về chính sách thường trú nhân cho nhóm lao động cấp kỹ sư, theo ông Duy, họ phải làm việc cho các nhà máy công ty Nhật, được ký hợp đồng lao động, và nếu ở được 8 năm trở lên, không có vi phạm nào về thuế, bảo hiểm… thì mới được xét thường trú nhân.
“Nhưng tôi chắc chắn quy định mới cần nhiều thời gian để có thể áp dụng vì hiện tại ngay cả quy định thực tập sinh VN sang Nhật 3 năm trở về VN sẽ được tiếp tục quay trở lại làm thêm 2 năm nữa đến nay vẫn khá chật vật” – ông Duy thông tin.
Theo ông Duy, hiện cộng đồng người lao động VN tại Nhật vào khoảng 300.000 người, chỉ đứng sau Trung Quốc (khoảng 370.000). Năm 2017, ước tính VN có khoảng 48.000 lao động VN sang Nhật, và dự kiến con số này trong năm 2018 lên 60.000 lao động.